tìm kiếm
CHUYÊN MỤC
Bài viết mới nhất
Đế Gò Đen mời các bạn xem bài viết của Q.Hảo đăng trên Khoa Học Phổ Thông chuyên đề Dinh Dưỡng, số 46 Tháng 06 năm 2021.
LÁNG SEN HOANG DÃ
Trong bài viết Q.Hảo có nhắc đến tuyệt phẩm Đế Gò Đen trong bối cảnh hòa mình vào thiên nhiên.( phần chú thích là của Đế Gò Đen )
Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen có diện tích 5.030 ha thuộc 2 xã Vĩnh Lợi và Vĩnh Đại của huyện Tân Hưng, tỉnh Long An. Nơi đây còn lưu giữ các hệ sinh thái đặc trưng, nguyên thủy của vùng Đồng Tháp Mười, có sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách.
Khu bảo tồn có 3 phân khu là sinh thái, đa dạng sinh học và rừng tràm kinh tế. Vào mùa nước nổi, toàn khu chịu ảnh hưởng lũ lụt từ sông Mekong đổ về, tạo sinh thái ngập lũ thêm phong phú và đa dạng sinh học… Đặc biệt nơi đây vừa mới phát hiện giống cá tra dầu (1) quý hiếm từ sông Mekong đến.
Ông Út Thích, nguyên bí thư huyện ủy Tân Hưng, kể: thời chống Mỹ, Láng Sen cung cấp nhiều lương thực cho lực lượng cách mạng đồn trú. Nhiều lần trực thăng Mỹ rà tới rà lui trên ngọn tràm, “Việt cộng” ở dưới tán tràm vẫn bình yên! Lúa ma (lúa trời) (2) mọc đầy các bàu sen, súng. Khi lúa chín, dân đưa xuồng gắn cà rèm (3) vào thu hoạch. Lúa ma hạt nhỏ, dài, vị dẻo thơm.
Một mùa lúa ma có thể thu được hàng chục tấn. Ngoài ra cá, tôm, ốc đồng ở đây thì vô số kể. Rắn, rùa, lươn, ếch rất phong phú. Người dân gọi đây là chỗ “trên cơm dưới cá” thật dồi dào!
Khách đến khu bảo tồn thường được đãi các món chế biến từ cá lóc, cá rô… đều từ 1 kg/con trở lên, và lươn cỡ 2 – 3 kg/con nướng lửa than, cuốn lá sen non và các loại rau rừng, đưa cay với “đế Gò Đen”. Lại còn những con ốc lác, ốc bươu to tày nắm tay nướng trên lửa than thơm phức…
Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen như một nàng công chúa vẫn đang bình yên trong giấc ngủ dài….
Q.HẢO
Chú thích (phần chú thích là của Đế Gò Đen)
(1) Cá tra dầu.
- Cá tra dầu, tên khoa học: Pangasiandon gigas, nó chỉ được biết đến từ năm 1930 khi được “ khám phá” tại chợ cá ở Phnôm Pênh; là một loài cá nước ngọt sống trong vùng hạ lưu sông Mekông. Chiều dài cá đến 3m và trọng lượng có thể đến 300kg. Cá tra dầu được xem là loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới được biết đến.
- Cá tra dầu nằm trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN).
(2) Lúa ma.
- Lúa ma có tên khoa học là Oryza, là tổ tiên của giống lúa trồng hiện nay.
- Trên thế giói có 26 loài lúa ma hoang dại. Riêng ở Việt Nam có bốn quần thể gồm: Oryza officinalis, O.rufipogon, O.nivara và O.grannlata (tuy hiên loài O.granulata vốn chỉ có ở Mường Tè (Lai Châu) thì hiện không còn tìm thấy trong tự nhiên nữa. Ở vùng Đồng Tháp mười, lúa ma bắt đầu đâm chồi mọc vào tháng 3 âm lịch khi những cơn mưa đầu mùa làm ướt đất. Nước dâng tới đâu thì cây lúa ma ngoi lên tới đó.
- Khoảng tháng 9 âm lịch lúa ma trổ bông, chừng 2 tuần đến 3 tuần sau thì bắt đầu chín, nhưng mỗi ngày chỉ chín 1-2 hạt; điều kỳ lạ là khi nắng lên thì những hạt lúa ma đang chíntự nhiên rụng xuống dù không ai đụng chạm gì tới. Vì vậy muốn thu hoạch lúa ma phải đi vào ban đêm.
- Hạt lúa ma chỉ dài khoảng 3mm-4mm (hạt lúa trồng dài khoảng 6mm-7,5mm) và có đuôi dài gấp 3-4 lần hạt lúa thường.
- Cơm lúa ma ở Đồng Tháp Mười có mùi thơm nhưng cứng cơm.
(3) Cà rèm: là dụng cụ chuyên dùng gặt lúa ma.
- Gồm có một miếng manh bồ cao khoảng 1m, dài khoảng 2m đặt dọc giữa xuồng 3 lá.
- Hai thanh tre/trúc đặt dọc hai bên mạn xuồng (ba lá) được cố định vào 2 nọc ở giữa xuồng. Vận hành:
Vận hành:
- Trong khi xuồng lướt đi trên đám lúa ma, người gặt chỉ việc khép 2 tay cầm gốc thanh tre lại để ngọn thanh tre tạo hình chữ V về phía mũi xuồng và sau đó giang 2 tay cầm gốc thanh tre ra để ngọn 2 thanh tre tạo hình chữ V ngược về phía đuôi xuồng để bông lúa đập vào manh bồ và rụng vào lòng xuồng; và cứ nhịp nhàng như thế.
- Có nơi người gặt không dùng đến tấm manh bồ mà chỉ dùng 2 thanh tre thôi; và dĩ nhiên năng suất thu hoạch sẽ thấp hơn.
- Tài liệu tham khảo:
- Nữa đêm đi gặt lúa trời, Vân Trường, tuổi trẻ online, ngày 27/11/2015
- Cá tra dầu – wikipedia tiếng Việt, ngày 01/07/2021